Đột quỵ thiếu máu não gây ra bởi tình trạng tắc nghẽn động mạch não cấp tính, dẫn đến tình trạng suy giảm tức thời dòng máu nuôi tại vùng nhu mô não thuộc chi phối của động mạch não bị thuyên tắc. Tử vong do đột quỵ não chiếm khoảng 9% các trường hợp tử vong trên toàn cầu, đứng hàng thứ ba sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Đột quỵ não là nguyên nhân gây tàn phế thường gặp nhất tại các nước phát triển, điều này tạo ra gánh nặng rất lớn về chi phí cho việc chăm sóc y tế. Khi mức sống của người dân ngày càng cải thiện, tuổi thọ tăng dần dẫn đến nguy cơ đột quỵ não ngày càng tăng cao.
Năm 1995, Viện Thần kinh và Đột quỵ não Hoa Kỳ (NINDS) công bố, rTPA dùng đường tĩnh mạch với liều 0.9mg/kg cân nặng trong vòng 3 giờ đầu kể từ khi khởi phát đột quỵ cho thấy hiệu quả cải thiện, đã có thêm 13% BN đột quỵ thiếu máu não hồi phục các chức năng thần kinh hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn tại thời điểm ba tháng. Thử nghiệm lâm sàng Alteplase tại Nhật với liều 0.6mg/kg cho BN đột quỵ nhồi máu não cấp tính trong vòng 3 giờ đầu (thiết kế nghiên cứu mở không ngẫu nhiên và thử nghiệm) thấy rằng hiệu quả lâm sàng là tương đương và làm giảm nguy cơ chảy máu não có triệu chứng so với dùng liều chuẩn (0.9mg/kg).
Các nghiên cứu gần đây sử dụng rTPA liều thấp có hiệu quả tốt và có thể làm giảm nguy cơ chảy máu não có triệu chứng, đồng thời cửa sổ điều trị đã mở ra đến 4,5 giờ.
Tại BVĐK tỉnh Hoà Bình, tỷ lệ tai biến mạch máu não tăng lên hàng năm (số liệu phòng KHTH), vì vậy việc nghiên cứu dùng thuốc rTPA đường tĩnh mạch liều thấp, phù hợp với thể trạng, điều kiện của bệnh nhân tỉnh Hoà Bình, được xem là nghiên cứu mở đầu cho các nghiên cứu khác với số lượng BN lớn hơn, trước khi có thể áp dụng liệu pháp rtPA đường tĩnh mạch một cách rộng rãi tại các đơn vị khác trong tỉnh của Đơn vị Đột quỵ não thuộc khoa Hồi sức Cấp cứu – BVĐK tỉnh Hoà Bình.
Bài viết tóm tắt đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu cấp Ngành do nhóm tác giả Khoa HSCC bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình thực hiện.
Đối tượng nghiên cứu: Bao gồm 65 BN bị nhồi máu não giai đoạn cấp có thời gian khởi phát đột quỵ đến khi điều trị Tiêu sợi huyết < 4.5 giờ tại đơn vị đột quỵ não, BVĐK tỉnh Hoà Bình từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2020.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tuổi trung bình BN là 66.64 ± 11.79, thấp nhất 43 tuổi, cao nhất 94 tuổi. Nhóm tuổi từ 60 – 79 tuổi là chủ yếu, chiếm 61,5%. Tỷ lệ nam/nữ là gần tương đương nhau (1/1,17). Thời gian từ khi khởi phát đến khi nhập viện tương đối muộn, trung bình là 140,1±65 phút. Thời gian từ lúc lúc nhập viện đến khi dùng thuốc trung bình là 42,2 ± 15,5 phút, vì vậy cần cải thiện quy trình để rút ngắn thời gian hơn. Cửa sổ thời gian điều trị trung bình là 168,3±25,2 phút.
(BN phục hồi vận động sau Tiêu sợi huyết, tập PHCN tại Đơn vị đột quỵ não).
Tỷ lệ tái thông mạch máu trong vòng 24 giờ khá cao, đạt 66,2%, trong đó tái thông hoàn toàn đạt 38,5%, không hoàn toàn 27,7%. Tỷ lệ biến chứng Chảy máu não thấp, Chảy máu não có triệu chứng chiếm tỉ lệ 3,1% và không triệu chứng chiếm tỉ lệ 6,15%. Thời gian nằm viện trung bình ở nhóm tái thông là 6,83 ± 3,35 ngày, nhóm không tái thông là 11,45 ± 7,58; cho thấy khả năng rút ngắn thời gian điều trị khi dùng thuốc tiêu sợi huyết. Tỷ lệ tử vong trong thời gian điều trị nội trú là 12,3%; đa số do Đột quỵ nặng với NIHSS cao, tắc mạch lớn, nhiều bệnh nền kèm theo. Tỷ lệ BN đạt mức phục hồi chức năng thần kinh tốt (điểm Rankin hiệu chỉnh 0-1) tại thời điểm ba tháng là 55,4%, cho thấy hiệu quả cao của Tiêu sợi huyết.
Qua kết quả, nhóm nghiên cứu kiến nghị: phác đồ tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch bằng rTPA liều thấp (0,6 mg/kg) có hiệu quả điều trị nhồi máu não cấp trong vòng 4,5 giờ đầu cho các bệnh nhân có các nguy cơ chảy máu cao (khi dùng rTPA liều 0,9 mg/kg). Cần tăng cường tuyên truyền, truyền thông về các dấu hiệu nhận biết Đột quỵ não, cách liên hệ Đơn vị đột quỵ, tạo ý thức đưa bệnh nhân đột quỵ não đến cơ sở y tế sớm nhất có thể, giúp bệnh nhân được can thiệp sớm, nhằm hạn chế tỉ lệ tử vong và di chứng sau đột quỵ.
(Chu Xuân Khánh và cộng sự)