Ngày 28/2/2023, 4 bệnh nhân ngộ độc nấm rừng, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã được xuất viện. Sau khi trở về nhà, các bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sức khoẻ và hiện tại tất cả đều có sức khoẻ ổn định. Trước đó, ngày 18/2/2023, gia đình với 8 người ăn cơm trưa, trong số thức ăn có món canh được chế biến từ nấm hái ở trên rừng. Sau ăn khoảng 10-12 giờ, 6 người lần lượt có các triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy, người mệt lả. Hai bệnh nhân có triệu chứng nặng nhất được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị, trong đó một bệnh nhân không may diễn biến nặng đã tử vong, một bệnh nhân hiện tại đã ổn định hơn nhưng vẫn đang phải điều trị và theo dõi tích cực do chức năng gan chưa hồi phục hoàn toàn.
4 bệnh nhân được điều trị và chăm sóc tích cực khi nhập viện
Bốn bệnh nhân sau hơn 1 tuần điều trị và chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã hồi phục sức khoẻ, được xuất viện và tiếp tục theo dõi sức khoẻ ở nhà.
Rất khó phân biệt nấm độc và nấm không độc về màu sắc và mùi vị. Nấm độc cũng có màu sắc giống nấm thường, mùi vị cũng thơm và dễ ăn. Có nhiều loại nấm độc mọc tự nhiên nhưng trên lâm sàng thường chia ra thành 2 loại. Loại gây ngộ độc nhanh (trước 6 giờ sau ăn) và loại gây ngộ độc chậm (6-40 giờ sau ăn). Các ca ngộ độc sớm thường được chẩn đoán kịp thời, chất độc còn trong đường tiêu hoá nên điều trị thường hiệu quả, ít có trường hợp tử vong. Các ca ngộ độc chậm thường đến viện muộn, chất độc đã ảnh hưởng đến các tạng trong cơ thể nên điều trị rất khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.
Các bệnh nhân hồi phục sức khoẻ và được xuất viện
Người dân không nên sử dụng nấm mọc tự nhiên (đặc biệt là nấm rừng) hoặc nấm không rõ nguồn gốc để làm thức ăn. Khi không may bị ngộ độc nấm, cần đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu nhanh nhất.
TS. BS.Hoàng Công Tình
Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình