Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp hay cao huyết áp là tình trạng khi huyết áp đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Nguyên nhân của gây tăng huyết áp là gì?
Đa phần bệnh thường gặp ở người lớn tuổi không có nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát); khoảng 10% tình trạng có nguyên nhân, còn gọi là tăng huyết áp thứ phát.
Triệu chứng thường gặp khi bị cao huyết áp
Người bệnh hay có biểu hiện như: Nhức đầu, nặng đầu, mỏi gáy, chóng mặt, nóng phừng mặt…
Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn là những triệu chứng thường gặp khi huyết áp tăng cao
Tuy nhiên, có khoảng 1/3 trường hợp người bệnh không có dấu hiệu gì, chỉ phát hiện bệnh khi đo huyết áp tình cờ hay khám sức khỏe tổng quát hoặc khi đã có biến chứng như Nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hay suy thận mạn giai đoạn cuối.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người lớn từ 50 tuổi trở lên cần khám tổng quát và kiểm tra huyết áp định kỳ vì huyết áp có xu hướng tăng dần theo tuổi.
Chẩn đoán tăng huyết áp
Để chẩn đoán tăng huyết áp chỉ có cách duy nhất là đo huyết áp. Hiện nay, có 3 cách đo huyết áp để chẩn đoán bệnh gồm:
- Đo huyết tại phòng khám: HA ≥ 140/90 mmHg.
- Đo huyết áp tại nhà: HA ≥ 135/85 mmHg.
- Máy theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ (máy Holter huyết áp): HA ≥ 130/80 mmHg.
ĐO HUYẾT ÁP ĐÚNG CÁCH NHƯ THẾ NÀO?
- Ngồi nghỉ 15 phút trước khi đo.
- Không hút thuốc lá, uống cafe 2 giờ trước khi đo.
- Tư thế đo: nằm trên giường hoặc ngồi dựa lưng vào ghế, hai chân chạm sàn nhà, không bắt chéo chân, tay duỗi thẳng, đặt ngang tim, giữ im lặng trong lúc đo.
- Lần đầu tiên đo huyết áp cả hai tay, tay có mức huyết áp cao hơn được chọn để đo và theo dõi huyết áp những lần sau.
- Mỗi lần đo 2 lượt, cùng một tay, mỗi lượt đo cách nhau 2 phút. Nếu huyết áp tâm thu ở 2 lần đo khác biệt > 10 mmHg, đo thêm lần thứ 3 sau 2 phút nữa. Lấy huyết áp trung bình của 2 lần đo gần nhất.
- Dùng máy đo tự động, loại có băng quấn cánh tay có kích thước phù hợp.
Người bệnh có thể đo huyết áp buổi sáng hoặc buổi chiều, hoặc khi có triệu chứng gợi ý tăng huyết áp kể trên.
Tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?
Bệnh tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về sau. Các biến chứng thường gặp bao gồm: Biến chứng ở tim, biến chứng ở não, biến chứng ở thận ,biến đổi mạch máu ở đáy mắt, bệnh động mạch ngoại biên hai chân.
Điều trị tăng huyết áp
- Điều trị không dùng thuốc: điều chỉnh lối sống, tập thể dục, giảm cân, thay đổi chế độ ăn (giảm muối dưới 3g/ ngày, giảm mỡ béo), bỏ các thuốc gây cao huyết áp (thuốc kháng viêm, giảm đau nhức), thư giãn, giảm căng thẳng. Thuốc hạ huyết áp: 5 nhóm thuốc cơ bản (ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin 2, ức chế calci, lợi tiểu, chẹn bêta). Chọn lựa và phối hợp thuốc tùy theo đặc điểm của từng bệnh nhân.
- Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.
Trong quá trình điều trị, điều người bệnh cần uống thuốc đều đặn mỗi ngày.
Làm gì để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp?
Để phòng ngừa tăng huyết áp mọi người nên thực hiện lối sống tốt cho sức khỏe từ sớm. Nhiều nghiên cứu cho thấy duy trì cân nặng lý tưởng, tập thể dục đều đặn, chế độ ăn cho người bị tăng huyết áp phù hợp.
- Chế độ ăn lành mạnh: ít chất béo; ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo, ăn cá, thịt gia cầm loại bỏ da…
- Giảm lượng muối ăn vào dưới 3g/ ngày, giảm ăn thịt mỡ, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần, tăng cường vận động thể lực, chơi thể thao. Việc tập luyện thể dục giúp giảm huyết áp, giảm cân hoặc giữ cho bạn cân nặng phù hợp, và giảm stress
- Kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu dư cân
- Hạn chế uống rượu bia
- Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc
- Cân bằng cuộc sống, tránh căng thẳng
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những mối nguy cơ có thể điều chỉnh được.
BSCKII. Trần Hoàng Dương
Trưởng khoa nội Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình