Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Nuôi con bằng sữa mẹ

31/07/2024
Share

 

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và cần thiết cho trẻ khi mới ra đời. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước chín, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.

 

1. Lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ

 

 Lợi ích đối với trẻ

 

- Là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu.

- Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Giúp trẻ phát triển trí não tối ưu.

- Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp.

- Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng cho trẻ

- Dễ tiêu hóa và hấp thu

- Sạch sẽ, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp.

 

Lợi ích đối với bà mẹ

 

- Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ rau, kích thích co hồi tử cung và giảm nguy cơ chảy máu sau đẻ cho mẹ.

- Cho trẻ bú ngay và thường xuyên sẽ kích thích tăng cường sản xuất sữa và phòng cương tức vú cho mẹ.

- Bú mẹ có lợi ích kinh tế cao (tiết kiệm chi phí).

- Giúp tăng cường tình cảm mẹ con.

- Giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng cho mẹ

- Chậm có kinh và có thai lại giúp mẹ KHHGĐ

 

Lợi ích với xã hội: Giảm nguy cơ bệnh tật; Giảm các chi phí y tế.

 

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tiết sữa

 

- Các trạng thái tinh thần: cáu giận, kích thích, lo lắng, sợ hãi, lúng túng và bối rối, tức giận.

- Mệt mỏi: sau khi sinh sản phụ mất nhiều sức nên muốn nghỉ ngơi chưa cho con bú ngay.

- Trẻ bú kém do tư thế bú sai, bà mẹ ngồi cho con bú chưa thoải mái, gò bó, trẻ ngậm bắt vú chưa hiệu quả.

- Trẻ bú không đủ thời gian: do bà mẹ chưa có kiến thức về nuôi con, tự ti vì mình ít sữa nên chỉ cho bú một thời gian ngắn rồi cho trẻ ăn thêm sữa ngoài. Hoặc do bà mẹ mới cho trẻ bú đau rát đầu vú nên trẻ chỉ bú được một lúc rồi bà mẹ chủ động ngừng cho con bú.

- Mẹ bị căng thẳng tinh thần do các yếu tố công việc, gia đình dẫn đến bà mẹ lo âu, căng thẳng không tập trung cho con bú.

- Do người thân, bạn bè…có những nhận xét tiêu cực về mẹ hoặc bé.

- Đau vú hoặc tử cung khi cho bé bú làm mẹ ngại cho trẻ bú (đau núm vú, đau bụng sau sinh…)

- Thiếu chất dinh dưỡng: bà mẹ sau khi sinh lo ngại về vóc dáng, ăn kiêng có suy nghĩ tiêu cực vì sữa không đủ chất nên không cho con bú.

- Uống ít nước: cần uống hơn 2 lít nước mỗi ngày để sự bài tiết sữa được đầy đủ

 

3. Cách cho con bú

 

 Nguyên tắc:

 

- Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không ăn thêm bất cứ thức ăn nào khác.

- Bú sớm trước 30 phút sau khi sinh.

- Bú theo nhu cầu của trẻ, ít nhất 8 lần/ ngày

- Trẻ được bú cả ngày lẫn đêm

- Cai sữa khi trẻ được 18 – 24 tháng hoặc lâu hơn nếu có thể.

- Trẻ cần được bú hết cả sữa đầu và sữa cuối.

 

Tư thế bú đúng:

 

- Đầu và thân trẻ nằm trên một đường thẳng.

- Trẻ được bế áp sát vào lòng mẹ.

- Đầu trẻ đối diện với vú mẹ.

- Mẹ đỡ toàn thân trẻ.

 

 

Tư thế ngậm bắt vú đúng:

 

- Miệng trẻ mở rộng.

- Môi dưới hướng ra ngoài.

- Trẻ ngậm sâu hết quầng đen của vú mẹ.

- Cằm trẻ tì vào vú mẹ.

 

 

Hậu quả ngậm bắt vú sai:

 

- Đau hay tổn thương núm vú (có thể nứt cổ gà)

- Cương tức vú, tắc tia sữa.

- Vú sẽ tạo ít sữa đi

- Trẻ đòi bú liên tục, khóc nhiều và mỗi lần bú kéo dài hoặc từ chối bú mẹ.

- Trẻ tăng cân kém

 

 

Tắc tia sữa

 

Những dấu hiệu chỉ điểm trẻ bú mẹ thành công

 

- Trẻ bị giảm cân sinh lý ≤ 7 % trong tuần đầu. Sau đó sẽ về cân nặng lúc sinh ≤ 2 tuần và tăng cân 20-30g/ ngày trong 3 tháng đầu.

- Bú mẹ ≥ 8 lần/ngày

- Ngậm bắt vú dễ dàng

- Đi tiểu ít nhất 6 lần trong vòng 24 giờ, trong 2 ngày đầu khi bú sữa non thì chỉ làm ướt 1-2 tã/ngày.

 

 

 

Bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân cần giải đáp thêm hoặc có nhu cầu khám dinh dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, đăng ký khám và tư vấn tại phòng khám Dinh dưỡng – Nhà A3,  Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.

BSCKI. LÊ THỊ THÀNH

Khoa Dinh dưỡng, BVĐK tỉnh Hòa Bình

Tin tức liên quan