Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Nội soi tán sỏi đường mật trong mổ, khâu đóng đường mật lý tưởng

27/02/2023
Share

Sỏi mật là bệnh lý ngoại khoa đứng hàng thứ hai trong bệnh lý cấp cứu ổ bụng và thường gặp là sỏi sắc tố mật. Sỏi sắc tố mật được hình thành do nhiễm khuẩn và ký sinh trùng nên sỏi có thể được hình thành ở đường mật trong và đường mật ngoài gan. Điều trị bệnh lý này rất khó khăn, dai dẳng, có thể phải mổ lại nhiều lần do sỏi tái phát.

 

Cùng với sự tiến bộ về y học nước nhà trong những năm gần đây, có nhiều bệnh viện lớn trong nước đã triển khai rất thành công kỹ thuật nội soi tán sỏi đường mật trong và ngoài gan, khâu đường mật lý tưởng (khâu kín đường mật thì đầu). Kỹ thuật này lần đầu tiên triển khai thành công tại khoa ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

 

Bệnh nhân (BN) nữ B.T.H. 38 tuổi, tiền sử đau hạ sườn phải nhiều đợt trong 2 năm chưa điều trị gì, vào viện ngày 25/01/2023 với lý do đau bụng hạ sườn phải. Khám lâm sàng phát hiện BN toàn trạng tốt, da củng mạc mắt vàng, không sốt, bụng mềm, không chướng, ấn đau vùng hạ sườn phải, cảm ứng phúc mạc âm tính; chụp CT Scans bụng phát hiện sỏi phần thấp ống mật chủ kích thước 5x10mm, nhiều sỏi đường mật trong gan giãn đường mật gan trái, ống mật chủ giãn 12mm, giãn ống gan chung, túi mật căng. BN H. được chẩn đoán sỏi phần thấp ống mật chủ và sỏi đường mật trong gan.

 

BN được chỉ định phẫu thuật mở ống mật chủ tán sỏi đường mật trong gan và ngoài gan, khâu kín đường mật có sử dụng nội soi đường mật tán sỏi trong mổ vào ngày 31/01/2023.

 

 

 

Một số hình ảnh sỏi đường mật trong mổ qua hình ảnh nội soi

 

Sau mổ ngày thứ nhất, BN đã vận động tốt, ăn theo chế độ hậu phẫu. Ngày thứ 3 BN không sốt, bụng mềm đã được chỉ định rút sonde dẫn lưu ổ bụng, vận động bình thường; ngày thứ 5 BN ổn định được xuất viện.

 

 

Hình ảnh bệnh nhân trước khi ra viện

 

Các chuyên gia cho biết, có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi đường mật chính như: phẫu thuật mở ống mật chủ lấy sỏi dẫn lưu Kehr; lấy sỏi qua đường hầm của Kehr; phẫu thuật nội soi lấy sỏi mật; nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi có cắt hoặc không cắt cơ vòng Oddi; nội soi tán sỏi đường mật qua da.

 

Thực tế hiện nay, phẫu thuật mở ống mật chủ lấy sỏi với dẫn lưu Kehr vẫn đang giữ vai trò chủ yếu và chiếm tỷ lệ nhiều nhất ở Việt Nam vì thường mổ khi đã có biến chứng và mục đích của dẫn lưu Kehr là làm giảm áp lực đường mật, dẫn lưu dịch mật nhiễm trùng, chụp lại đường mật phát hiện sót sỏi và tiến hành lấy sỏi, kiểm tra sự lưu thông mật ruột sau mổ. Tuy nhiên, phẫu thuật này là một phẫu thuật lớn, đau nhiều sau mổ, thời gian nằm viện dài, mất dịch mật sau mổ có thể gây ra rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn đường mật ngược dòng, tụt Kehr, khi rút Kehr có thể gây chảy máu đường mật hoặc rò mật.

 

Ngày nay với sự ra đời ống soi mềm, có thể sử dụng để kiểm tra đường mật trong và ngoài gan, sự lưu thông mật của Oddi, nhằm phát hiện những bất thường (hẹp, sỏi, u…), kết hợp tán sỏi đường mật trong mổ nhằm hạn chế sót sỏi và đảm bảo lưu thông đường mật tốt. Đó là các tiêu chí đánh giá để đưa ra quyết định khâu đường mật lý tưởng (khâu kín đường mật thì đầu) sau khi đã lấy hết sỏi. Do đó BN sẽ không còn lo ngại các vấn đề liên quan đến Kehr như phương pháp mổ có dẫn lưu Kehr.

 

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, với kỹ thuật nội soi tán sỏi đường mật trong gan và ngoài gan, khâu đường mật lý tưởng là một kỹ thuật mới được triển khai không quá khó, tuy nhiên đòi hỏi người phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm trong điều trị sỏi mật cùng với đầy đủ trang thiết bị cần thiết. Bước đầu, kỹ thuật này đã đem lại kết quả khả quan hứa hẹn một phương pháp điều trị sỏi mật tối ưu, giảm thiểu tối đa tỷ lệ sót sỏi và tái phát và đang được triển khai tại khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

 

Để tiếp cận được phương pháp trên với những tiêu chuẩn chỉ định khắt khe, các bác sỹ khuyến cáo người bệnh cần theo dõi sức khỏe định kỳ 3 đến 6 tháng một lần (siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng hoặc chụp cộng hưởng từ đường mật) đề phát hiện sỏi mật sớm và có phương pháp điều trị phù hợp tránh các biến chứng của sỏi mật gây ra, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân.

 

Mọi bệnh lý về gan, mật, tiêu hóa, xin liên hệ:

 

- Khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK tỉnh Hòa Bình

- Địa chỉ: Tầng 3, khối nhà B8;

- ĐT: 0218.3896.545. Máy lẻ: 251;

- Email: kngthbvhb@gmail.com.

 

Thạc sỹ Bùi Minh Tứ

Khoa Ngoại Tổng hợp – BVĐK tỉnh Hoà Bình

Tin tức liên quan