Là đơn vị tuyến cuối của tỉnh và tuyến đầu của ngành Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình thường xuyên tiếp nhận và xử trí thành công nhiều ca cấp cứu khẩn cấp và tối khẩn cấp. Mỗi ca bệnh thành công là thêm một lần khẳng định về trình độ chuyên môn cao cũng như tay nghề của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Ca cấp cứu tối khẩn hồi đầu tháng 6 vừa qua giúp cứu sống người bệnh chảy ồ ạt 4 lít máu trong ổ bụng do dập vỡ gan là một trường hợp như thế. Chỉ trong gang tấc giữa ranh giới của sự sống và cái chết, người bệnh đã được các bác sĩ cứu sống quay về bên gia đình.
Bệnh nhân được khoẻ mạnh và được xuất viện sau 8 ngày điều trị khẳng định chuyên môn và trình độ cao của đội ngũ y bác sĩ BVĐK tỉnh trong việc làm chủ các kỹ thuật khó
Bệnh nhân là một nam thanh niên tuổi đời còn trẻ, 20 tuổi tại huyện Tân Lạc. Theo lời kể, do có va chạm giao thông giữa xe máy của hai vợ chồng anh và một chiếc ô tô nên anh bị chấn thương. Ngoài các vết thương ngoại khoa như xây xát, bầm tím bên ngoài, vấn đề sức khoẻ được quan tâm nhất của bệnh nhân là nôn nhiều ra máu, dịch dạ dày và thức ăn. Bên cạnh đó có hiện tượng sốc với biểu hiện mạch nhanh trên 120 lần/p, huyết áp tụt 90/60.
Xác định ca bệnh rất khó khăn, mạng sống chỉ được tính bằng giây, bằng phút nên bệnh nhân được khoa Hồi sức cấp cứu gấp rút làm thủ tục, truyền dịch, vận mạch, hồi sức tích cực nhanh chóng, chuyển bệnh nhân chụp cắt lớp xác định vị trí tổn thương. Đồng thời, BS Tạ Huy Kiên, Trưởng khoa kích hoạt ngay quy trình báo động đỏ để hội chẩn liên chuyên khoa với các khoa Ngoại Tổng hợp, Gây mê, Chẩn đoán hình ảnh.
Sau chụp bệnh nhân được xác định có hình ảnh vỡ gan độ V, máu nhiều tràn ngập ổ bụng cần chuyển mổ cấp cứu tối cấp. Chỉ chưa đến 30p từ lúc vào viện, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ. Mở ổ bụng, kíp phẫu thuật hút từ bụng bệnh nhân được 4 lít máu. Kiểm tra thấy bệnh nhân bị vỡ đứt đôi thuỳ gan trái, tổn thương đứt tĩnh mạch trên gan giữa dẫn đến tình trạng chảy máu sốc mất máu. BS.CKII Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, bác sĩ chính của ca phẫu thuật tiến hành kẹp khâu cầm máu tĩnh mạch trên gan giữa và cắt bỏ toàn bộ gan trái.
Quá trình phẫu thuật, kíp gây mê tiến hành đẩy nhanh tốc độ truyền máu, bóp truyền 01 túi máu/phút với tổng số 6 túi máu (gần 2 lít máu) được truyền trong suốt ca mổ. Ca mổ phức tạp kéo dài trong nhiều giờ, tất cả đều gấp rút, khẩn trương, thận trọng.
Sau mổ, kết quả ngoài mong đợi của cả ekip. Các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân có trở lại, cơ hội sống sót của bệnh nhân nhìn thấy rõ. Bệnh nhân được hồi sức tích cực, giảm đau sau mổ và truyền thêm máu. Ngày thứ 5 chuyển chăm sóc tại khoa Ngoại tích cực và ngày thứ 8 đã hồi phục và được xuất viện.
Chia sẻ thêm và ca bệnh chạy đua với tử thần này, BS Sơn chia sẻ: Trước và trong mổ, các bác sĩ tiên lượng nguy cư tử vong rất cao và kể cả trong trường hợp mổ cũng khó có thể cứu sống. Đã giải thích cho gia đình để đánh giá rõ tình trạng người bệnh. Bệnh nhân cũng không thể đi được tuyến trên do tình trạng sốc mất máu quá nặng. Việc bệnh nhân có thể chết ngay trên bàn mổ trở thành vấn đề cần phải dự đoán và chấp nhận. Nhưng trên hết, với tất cả tinh thần, trách nhiệm, và bằng kinh nghiệm chuyên môn cao trong nghề, cả ekip đã rất nỗ lực giành lại sự sống cho người bệnh dù chỉ còn 1% cơ hội.
Chấn thương gan là một bệnh lý cấp cứu có tỷ lệ tử vong và biến chứng rất cao. Phẫu thuật đóng một vai trò rất quan trọng trong chấn thương nặng, đặc biệt là trong vỡ gan lớn hoặc tổn thương mạch máu phối hợp. Hơn thế, hậu phẫu sau chấn thương gan có nhiều biến chứng bất thường, khó kiểm soát, đòi hỏi các y bác sĩ phải liên tục theo dõi và xử trí tích cực. Trong khi trường hợp của bệnh nhân là tối khẩn cấp, nếu mổ chậm trong vòng 1 phút bệnh nhân cũng có thể chết.
Nạn nhân có thể nói đã may mắn thoát chết, nhưng cũng là một tin vui đối với tập thể y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, khẳng định tay nghề và trình độ chuyên môn cao, có thể làm chủ được những ca mổ khó, phức tạp.
Hình ảnh gan dập vỡ trong ổ bụng và được cắt bỏ sau phẫu thuật
Nguyễn Tuyết