Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay ở trẻ em, đôi điều khuyến cáo

09/02/2021
Share

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay trẻ em là loại gãy ở vị trí vào khoảng 5cm trên nếp gấp khuỷu tay. Loại gãy này rất hiếm gặp ở người trưởng thành hoặc người cao tuổi nhưng lại phổ biến ở trẻ em. Đây là loại gãy ngoài khớp, có thể kèm theo biến chứng mạch máu và thần kinh hoặc để lại di chứng vẹo khuỷu nếu điều trị không tốt.

 

Hình ảnh trước nắn (ảnh trên) và sau nắn (ảnh dưới)

 

Trong thực tế lâm sàng gãy trên lồi cầu hay gặp nhất trong các loại gãy khác của xương cánh tay. Thường gặp ở trẻ em 10 tuổi trở lại, gặp nhiều ở trẻ từ 5 - 10 tuổi, thường gặp ở trẻ nam nhiều hơn nữ.

 

Tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên tiếp nhận và điều trị các trường hợp gãy trên lồi cầu xương cánh tay trẻ em. Phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn kéo nắn bó bột. Một số trường hợp phải can thiệp phẫu thuật vì tổn thương phức tạp, bệnh nhân đến muộn gây sưng nề không điều trị bảo tồn được hoặc sửa các di chứng do can lệch....

 

Từ thực tiễn điều trị tại khoa, đề tài nghiên cứu khoa học với nội dung “Đánh giá kết quả điều trị bảo tồn gãy trên lồi cầu xương cánh tay trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình” đã được chúng tôi thực hiện và nghiên cứu trên gần 50 trẻ đến điều trị bằng phương pháp bảo tồn. Qua đó cho thấy, trên 69,8% là do tai nạn sinh hoạt, còn lại 31,2% là do tai nạn giao thông và các tai nạn khác. Đáng báo động là mặc dù đã có nhiều tiến bộ về điều trị, tuy nhiên kết quả xa trong nghiên cứu cũng cho thấy, còn khoản 4,7% số bệnh nhi có kết quả điều trị chưa thực sự tốt như hạn chế vận động khớp khuỷu, trẻ sẽ phải tập phục hồi chức năng kéo dài hoặc phải can thiệp phẫu thuật. Nguyên nhân của các biến chứng này là do trẻ có tổn thương nặng; gãy trên lồi cầu độ IV, trẻ đến muộn do đã điều trị thuốc của các thầy lang hoặc một số trường hợp sau khi tháo bột trẻ không tập vận động khớp theo hướng dẫn.

 

Do vậy, chúng tôi khuyến cáo đối với trẻ em trong lứa tuổi vận động cần được tư vấn cho bố mẹ và nhà trường trong việc quản lý con em mình. Đặc biệt khi trẻ bị tai nạn nên, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có uy tín và chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình trong thời gian sớm nhất để được khám và tư vấn điều trị kịp thời tránh những hậu quả không đáng có.

                                                    

                                                                             BSCKII. Đinh Thế Hải

Phó trưởng khoa CTCH

           

 

 

Tin tức liên quan