Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Dị vật mũi sống do con Tấc/Vắt/Đỉa

23/07/2021
Share

Liên tiếp trong tuần qua, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã gắp thành công ba con tấc (tên khoa học là Heamadipsa, người dân địa phương gọi là con tắc te, con đỉa mũi, con vắt) sống nhiều ngày trong mũi của ba bệnh nhân.

 

Cả 3 bệnh nhân (một người sống ở Lạc Sơn và hai người ở thành phố Hòa Bình) đi khám với lý do chảy máu mũi kéo dài, chảy mũi một bên và máu chảy khó đông, kèm theo cảm giác ngứa có con vật lạ bò trong mũi. Được biết, trong ba trường hợp này: có một trường hợp đi dã ngoại cách lúc khám bệnh 2 tuần, hai trường hợp đi rừng và rửa mặt và tắm suối khoảng một tháng trước đây.

 

 

Khám nội soi Tai mũi họng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

 

Bác sĩ sau khi thăm khám bằng nội soi Tai mũi họng đã phát hiện có con tấc (đỉa mũi) sống và di chuyển trong các khe mũi xoang, màu sắc giống với niêm mạc mũi. Hốc mũi phù nề, có điểm chảy máu rỉ rả.  Kíp thủ thuật đã nhanh chóng gây tê, tiến hành gắp được hai con tấc dài 5 cm, và một con dài 7cm trong mũi ba bệnh nhân trên, sau đó bơm rửa vệ sinh sạch sẽ khoang mũi tránh biến chứng viêm nhiễm sau này.

 

 

 

Thủ thuật gắp con Tấc trong mũi người bệnh

 

Các bác sĩ cho biết: Con tấc (đỉa mũi) có ở nơi ẩm thấp. Trọng lượng trung bình hơn 100mg, dài khoảng 3-5 cm có giác bám ở đầu và đuôi. Tấc cùng họ hàng với đỉa, nó cũng hút máu và hút rất nhiều (có thể lớn gấp 8 đến 10 lấn trọng lượng cơ thể), do có chất Hirudin trong dạ dày làm cho máu nó hút vào không bị đông lại. Thông thường tấc bám hút máu ngoài da, thỉnh thoảng có trường hợp chui vào các hốc cơ thể.

 

Nếu tấc nằm trong mũi ở các ngách khe thì khi đó tấc trở thành dị vật gây phù nề xuất tiết tắc nghẽn dẫn đến viêm mũi xoang

 

Nếu dị vật bỏ quên lâu ngày, tấc ký sinh và hút máu dẫn đễn tình trạng chảy máu mũi dai dẳng, và gây thiếu máu mãn tính.

 

Tấc có thể gây tác hại nguy hiểm nếu bám hút ở các mạch máu lớn hoặc di chuyển xuống thanh quản có thể là dị vật đường thở.

 

 

Con Tấc sau khi lấy ra từ mũi người bệnh

 

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên uống nước trực tiếp từ sông, suối, ao, hồ, khe. Với những người thường xuyên tắm suối, ao, hồ, khi có những triệu chứng như ngạt tắc mũi, vướng họng kèm theo có chảy máu mũi, ho khạc ra máu, khàn tiếng cần đi khám nội soi tai, mũi, họng ngay để loại trừ dị vật sống ở đường hô hấp trên.

 

Thạc sĩ. Bác sĩ Lê Công Hải, Khoa TMH- BVĐKT Hoà Bình

 

 

 

Tin tức liên quan