Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Cứu sống bệnh nhân vỡ tử cung

16/08/2022
Share

Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa nguy hiểm có thể gây tử vong mẹ và thai nhi. Vỡ tử cung có thể gặp trong 2 thời kỳ: Thời kỳ thai nghén (thường ít gặp) hoặc trong thời kỳ chuyển dạ. Bài viết dưới đây là một trường hợp vỡ tử cung trong thời kỳ thai nghén, được cấp cứu thành công tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hoà Bình.

 

Bệnh nhân nữ, 17 tuổi, para 0000, nhập viện tuyến dưới vì đau bụng dữ dội vùng bụng dưới, có thai ở tuần thứ 19 nhưng không khám thai định kỳ. Được chuyển từ tuyến dưới lên BVĐK tỉnh với chẩn đoán: Sốc chưa rõ nguyên nhân/ thai 19 tuần chết lưu. Tại khoa Hồi sức cấp cứu: Sản phụ tỉnh, da niêm mạc rất nhợt, khó thở liên tục khó thở 2 thì. Mạch nhanh nhỏ khó bắt tần số 115 lần/phút, HA 000/000 mmHg, nhịp thở 30 lần/phút. Bụng chướng vừa, ấn đau khắp bụng, phản ứng thành bụng (+) Xét nghiệm: Hồng cầu 1,5 triệu, Hb 36 g/l, HCT 12,2%, bạch cầu 21,7 nghìn. Siêu âm: Nhiều dịch máu trong ổ bụng, thai 19 tuần ngừng phát triển. Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ các chuyên khoa liên quan, vừa hồi sức vừa hội chẩn mổ cấp cứu. Trong mổ: ổ bụng tràn ngập máu (2200ml máu tự do và 800ml máu cục), quan sát thấy có tử cung đôi, 1 thai đã chết còn nguyên trong bọc ối chui ra khỏi chỗ vỡ vị trí mặt sau tử cung bên trái, tử cung bên phải còn nguyên vẹn. Tiến hành cắt tử cung bên trái đã vỡ, bảo tồn tử cung bên phải. Đồng thời hồi sức, truyền máu truyền dịch bù lượng dịch máu đã mất. Sản phụ phục hồi tốt sau phẫu thuật. Hậu phẫu bệnh nhân ổn định.

 

Nguyên nhân chủ yếu gây vỡ tử cung theo y văn là do vết mổ cũ trên tử cung bị nứt ra. Nứt vết mổ cũ có thể xảy ra từ rất sớm hay lúc gần chuyển dạ, có thể xảy ra ở người đã mổ lấy thai ở thân tử cung; Mổ lấy thai từ hai lần trở lên (sẹo mổ ngang đoạn dưới tử cung trước đó, số lần mổ càng nhiều càng làm tăng nguy cơ vỡ tử cung); Mổ cắt góc tử cung trong phẫu thuật điều trị thai ngoài tử cung vị trí sừng tử cung; Mổ lấy thai bị nhiễm khuẩn tại vết mổ hoặc tử cung; Phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung (nếu u xơ tử cung ăn vào nội mạc tử cung); Khâu lỗ thủng tử cung sau nạo phá thai, sau nạo sót rau sau đẻ. Ngoài ra thai to, thai dị dạng hay ngôi thai bất thường (ngôi ngang, ngôi ngược), hoặc mẹ có khung chậu bất thường, tử cung dị dạng (tử cung đôi, tử cung 2 sừng) cũng là các nguyên nhân có thể gặp. Trường hợp này là bệnh nhân trẻ, 17 tuổi, chưa có tiền sử mổ lấy thai, tuổi thai 19 tuần, là một trong những khó khăn trong chẩn đoán vỡ tử cung. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu, kết quả siêu âm ổ bụng nhiều dịch máu, tử cung đôi, đã vỡ mặt sau tử cung bên trái. Điều này phù hợp với bệnh cảnh của một trường hợp vỡ tử cung dị dạng.

 

Theo y văn, vỡ tử cung gây hậu quả tử vong mẹ và thai, nếu không được xử trí kịp thời, nhất là vỡ tử cung xảy ra ở các tuyến không có khả năng phẫu thuật; Có thể tổn thương bàng quang, niệu quản, mạch hạ vị, đại – trực tràng khi vỡ tử cung và trong khi phẫu thuật xử trí vỡ tử cung. Rất may mắn, việc kích hoạt hệ thống báo động đỏ kịp thời hội chẩn các chuyên khoa, rút ngắn thời gian một cách tối đa, vừa hồi sức vừa mổ cấp cứu đã cứu sống bệnh nhân.

 

Qua trường hợp này có thể thấy rõ nguyên nhân vỡ tử cung của bệnh nhân do dị dạng sinh dục, tử cung đôi (có hai buồng tử cung riêng biệt, mỗi buồng tử cung tách rời và không thông nhau, và có thể dẫn đến cổ tử cung và âm đạo riêng và hai ống dẫn trứng, người có dị dạng tử cung đôi thường làm cho tử cung nhỏ, thành tử cung mỏng dễ vỡ hoặc thai kém phát triển). Để phòng vỡ tử cung, cần lưu ý khám sức khỏe trước khi có kế hoạch mang thai để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây vỡ tử cung như khung chậu hẹp, khung chậu méo, dị dạng sinh dục (tử cung đôi, tử cung 2 sừng…). Khi có thai phải khám thai thường xuyên, đúng lịch để bác sĩ phát hiện sớm các nguy cơ đẻ khó…từ đó tư vấn và hướng dẫn phù hợp. Quản lý thai kỳ, đối với các thai kỳ có nguy cơ cao như có vết mổ ở tử cung, bất tương xứng thai khung chậu… cần khám thai ở các cơ sở y tế và tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đối với phụ nữ có vết mổ trên cơ tử cung nên dùng biện pháp tránh thai an toàn ít nhất 24 tháng mới có thai lại. Đối với các thai kỳ có chỉ định mổ lấy thai nên được mổ chủ động hoặc ngay khi bắt đầu có chuyển dạ.

 

 

Hình ảnh bệnh nhân được chăm sóc sau mổ

 

Bs Nguyễn Thị Hồng

Khoa Phụ sản- BVĐk tỉnh Hoà Bình

Tin tức liên quan