Có quyết định điều động tăng cường tại Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 từ ngày 03/2 đến hết ngày 20/2, điều dưỡng Trịnh Đức Phương, khoa Y học cổ truyền (YHCT), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nhanh chóng chuẩn bị hành trang đi chống dịch. Những tưởng cuộc hành trình đặc biệt trong một hoàn cảnh đặc biệt thời chống dịch sẽ cứ thế trôi qua như mọi công việc hàng ngày khác. Thì gần đến ngày kết thúc thời gian điều động, điều dưỡng Phương lại gặp bố mẹ trong chính khu điều trị. Cuộc hội ngộ và câu chuyện đoàn tụ đặc biệt diễn ra tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với gia đình người điều dưỡng.
Gặp bố mẹ trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19, ngoài những căn dặn tận tình, chu đáo của người thầy thuốc với bệnh nhân, điều dưỡng Phương còn được nhìn họ với ánh mắt yêu thương trìu mến của người con đối với cha mẹ
Sau thời gian nghỉ tết ít ỏi về sum họp cùng gia đình, điều dưỡng Trịnh Đức Phương nhanh chóng thu xếp hành trang vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19 làm nhiệm vụ. Điều dưỡng Phương cho biết, công việc hàng ngày của anh là chăm sóc bệnh nhân theo tua trực. Một ngày, có ba tua và mỗi tua sẽ chịu trách nhiệm thực hiện công việc trong tám tiếng. Đối với anh, tám tiếng tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 dường như nhanh hơn ngày làm việc bình thường. Công việc liên tục theo một guồng quay. Từ đi buồng cùng bác sĩ, thực hiện y lệnh chăm sóc người bệnh cho khoảng 20 bệnh nhân trong khu, cả những bệnh nhân nặng vừa đến rất nặng; theo dõi các chỉ số sinh tồn của người bệnh, báo cáo và xử lý kịp thời những diễn biến của người bệnh. Xung quanh anh, ngoài những tiếng kêu tít tít của máy thở, máy theo dõi chỉ số sinh tồn còn là tiếng rên khừ khừ của những trường hợp khó thở, mệt mỏi hoặc những trường hợp bị kích động do mắc Covid-19 trên thể trạng bệnh nền. Vậy là, từ một điều dưỡng chăm sóc người bệnh, điều dưỡng Phương lại đến vỗ về, an ủi, động viên tinh thần người bệnh với vai trò như con, như cháu, như người thân của người bệnh, xoa dịu nỗi đau cho người bệnh cả thể xác lẫn tinh thần.
Trong câu chuyện chia sẻ với người bệnh, chúng tôi mới biết, bố mẹ anh cũng đang ở đây: "Thương bệnh nhân lắm chị ạ. Trong khu điều trị này, người thì có người thân đi cùng. Người thì không. Khi bố mẹ em vào đây, em lại càng thương người bệnh. Đồng cảm với họ. Tâm lý họ cũng giống bố mẹ em thôi. Cần sự gần gũi, quan tâm", điều dưỡng Phương chia sẻ.
Anh cho biết thêm, bố anh nhập viện điều trị Covid-19 từ ngày 15/2 trên nền nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, huyếp áp cao. Tình trạng khó thở tăng nhanh và phải thở máy khi nhập viện. Từ hôm vào khu điều trị, đến ngày thứ hai anh mới có thể hỏi thăm, nói chuyện với bố. May mắn là tình trạng của bố anh được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ, được gần bố để biết diễn biến bệnh như thế nào anh cũng thấy đỡ lo hơn.
Mặc dù vậy, ngày thứ ba sau khi bố anh nhập viện, mẹ anh cũng được chuyển vào cùng điều trị. Điều khiến anh lo lắng ở bà là bà đã bị cắt ¼ thùy phổi trái do mắc u năm 2015. Covid-19 khiến mẹ anh lâm vào tình trạng khó thở nhiều. Nếu bệnh trở nặng hoặc diễn biến xấu, đó sẽ là nỗi trăn trở lớn nhất của anh. Không còn cách nào khác, cũng như với bao bệnh nhân khác, anh đều đặn thăm nom trong mỗi tua trực. Chỉ khác là ngoài những căn dặn tận tình, chu đáo thì anh còn nhìn bố mẹ mình với ánh mắt yêu thương trìu mến đặc biệt hơn.
TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, bác sĩ phụ trách khu điều trị chia sẻ thêm: Không chỉ riêng điều dưỡng Phương, tất cả các cán bộ, nhân viên y tế khác ở đây đều rất vất vả. Có thể là 8 tiếng rét cóng, tay băng giá với kim tiêm, nhưng cũng có ngày người ướt đầm mồ hôi trong những bộ bảo hộ trùm kín. Trong tim thì tràn đầy ấm áp yêu thương, nhưng cái đầu phải luôn cứng cỏi, sắt đá. Yêu thương bệnh nhân để cùng chiến đấu với bệnh nhân chiến thắng bệnh tật. Cuộc gặp gỡ của điều dưỡng Phương với bố mẹ là đặc biệt trong khu điều trị này, nhưng cũng thật giản dị trong bao câu chuyện chống dịch khác trên khắp mọi miền đất nước. Và điều đáng trân trọng nhất là mỗi cuộc gặp dù với người nhà hay với người bệnh có lẽ sẽ đều là những kỷ niệm đáng nhớ trong mỗi người khi đã bước chân vào và rời khỏi nơi đây.
Nguyễn Tuyết