Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Bệnh đau lưng cấp

15/02/2023
Share

Đau lưng cấp là tình trạng đau lưng đột ngột đi kèm với những triệu chứng nghiêm trọng nhưng ngắn hạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, thường kéo dài khoảng 6 tuần. Một số trường hợp chỉ đau vài ngày, trong khi có trường hợp cần tới vài tháng để triệu chứng biến mất hoàn toàn.

 

 

Hầu hết mọi người đều đã, đang và có thể sẽ trải qua một hay nhiều cơn đau lưng cấp trong đời. Tình trạng này có xu hướng chuyển sang mạn tính nếu không được điều trị tốt.

 

Nguyên nhân đau lưng cấp tính

 

Cơn đau lưng cấp tính có thể được kích hoạt bởi những tác động lên cột sống trong khi tập thể dục thể thao hoặc đang thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Các yếu tố dưới đây sẽ làm gia tăng nguy cơ bị đau lưng cấp

 

- Thoát vị đĩa đệm lưng.

 

- Loãng xương.

 

- Làm việc hay vận động quá sức.

 

- Chấn thương, té ngã, va chạm mạnh khi chơi thể thao.

 

- Tính chất công việc: công việc yêu cầu phải ngồi hay đứng một chỗ trong khoảng thời gian dài.

 

- Thay đổi chuyển động đột ngột.

 

- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh, lười tập luyện thể thao, thường xuyên đi giày cao gót…

 

Triệu chứng bệnh đau lưng cấp tính

 

- Đau nhói đột ngột hoặc đau nhức âm ỉ ở lưng sau khi nâng vác vật nặng, thay đổi tư thế đột ngột, ngồi lâu một chỗ.

 

- Đau lưng khu trú hay đau dọc cột sống, đau lan rộng từ lưng sang hông và/hoặc xuống mông và các chi.

 

- Hạn chế vận động, cúi ngửa, thay đổi tư thế khó khăn ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày.

 

- Cơn đau có tính chất cơ học: Tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.

 

- Cơn đau có thể trở nặng vào buổi sang và buổi tối, tang lên khi trời lạnh.

 

Tùy theo nguyên nhân gây đau và mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng đi kèm có thể xuất hiện như:

 

- Cứng hay căng cơ tại khu vực quanh cột sống, hông và xương chậu.

 

- Cơ lưng bị tê yếu, cảm giác tê như kim châm.

 

- Đau kèm cảm giác bỏng rát, tê bì và châm chích từ vùng thắt lưng tới cẳng chân, các ngón chân.

 

- Khả năng vận động suy giảm, khó đứng thẳng hay xoay người.

 

- Rối loạn chức năng ruột và bàng quang dẫn tới khó khăn trong tiểu tiện.

 

Khi bị đau lưng cấp tính cần làm gì?

 

- Nằm bất động, hạn chế vận động, tạm dừng các hoạt động thể chất đang làm.

 

- Chườm lạnh vào vị trí bị đau (tránh trực tiếp lên cột sống). Chườm lạnh ngay trong 72 giờ đầu tiên sẽ giúp làm giảm phù nề, sưng, viêm. Tuyệt đối không chườm ấm, bôi dầu cao nóng (làm tăng lưu lượng máu, gây viêm sưng nặng hơn).

 

- Nằm đệm cứng.

 

- Tránh sử dụng các chất kích thích (trà, cafe, rượu bia).

 

- Thăm khám sớm nhất.

 

Điều trị đau lưng cấp:

 

Khi bị đau lưng cấp người bệnh phải được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa và được chỉ định biện pháp chụp chiếu chính xác để chẩn đoán đúng nguyên nhân, vì tùy từng nguyên nhân sẽ có các biện pháp điều trị riêng biệt.

 

Nếu chỉ là đau lưng cấp đơn thuần do sai tư thế, chấn thương nhẹ, co cơ, thoát vị đĩa đệm nhẹ… người bệnh đã được loại trừ các bệnh lý nặng (Thoát vị đĩa đệm nặng, chấn thương cột sống, u tủy, lao đốt sống, tổn thương di căn…) thì chỉ cần điều trị nội khoa, y học cổ truyền…

 

Các phương pháp không dùng thuốc:

 

- Xoa bóp bấm huyệt, tác động cột sống.

 

- Châm cứu.

 

- Giác hơi.

 

Sử dụng thuốc (theo đơn bác sĩ):

 

- Các thuốc giảm đau chống viêm: non-steroid (NSAID) vd: Ibuprofen và Naproxen, Mobic.

 

- Các thuốc giãn cơ: Thuốc được dùng cho người bệnh đau lưng cấp do co thắt hay co cứng cơ. Thuốc giúp làm giảm triệu chứng căng cơ vùng lưng, do đó giúp giảm đau. Vd: Mydocalm, Myonal.

 

- Các thuốc Vitamin B1, B6, B12.

 

Cách phòng ngừa bệnh đau lưng cấp:

 

- Duy trì thói quen rèn luyện thể chất mỗi ngày để tăng độ chắc khỏe và linh hoạt cho hệ cơ xương khớp.

 

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối.

 

- Hạn chế tình trạng làm việc và vận động gắng sức.

 

- Đảm bảo tư thế đúng trong lao động, học tập, tập thể dục thể thao.

 

- Luôn khởi động trước khi vận động mạnh, chơi thể thao.

 

- Hạn chế mang giày cao gót.

 

BS. Nguyễn Anh Đức

Khoa Y Dược học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình

Tin tức liên quan